Nếu bạn để ý, hầu hết mọi người chỉ sẵn sàng làm việc khi họ có hứng thú hoặc động lực. Có những ngày, bạn thức dậy, tràn trề năng lượng và lao vào tập thể dục ngay, nhưng cũng có những ngày, bạn cảm thấy lờ đờ mệt mỏi và không muốn ra khỏi giường. Có những ngày, bạn đến công ty, làm việc hăng say với một hiệu suất cao đáng kinh ngạc, nhưng lại có những ngày khác, bạn ủ rũ nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính và công việc chẳng có một chút tiến triển nào.
Đó không chỉ là vấn đề của riêng ai cả mà là vấn đề của hầu hết mọi người. Chúng ta chỉ làm tốt công việc của mình khi cảm thấy yêu thích, khi một tia sáng tạo hoặc cảm hứng nảy sinh.
Sự khác biệt giữa chuyên gia và kẻ nghiệp dư:
Không quan trọng bạn cố gắng như thế nào, nếu bạn chỉ làm việc khi có cảm hứng, bạn sẽ không bao giờ đủ kiên định để trở thành một chuyên gia. Bởi vì cảm hứng không đến mỗi ngày. Cảm hứng thì không nhất quán.
Khả năng cam kết thực hiện mỗi ngày, tuân thủ đúng lịch trình, và kiên trì thực hiện công việc ngay cả khi bạn cảm thấy không muốn làm việc là yếu tố quan trọng nhất để bạn có thể trở thành một người chuyên nghiệp, dù lĩnh vực bạn theo đuổi là gì.
Khi bạn không bỏ lỡ các buổi tập thể dục, bạn sẽ có được trạng thái sức khỏe tốt nhất. Khi bạn viết mỗi tuần, bạn sẽ trở thành nhà văn giỏi hơn. Và khi bạn đi ra ngoài và chụp ảnh mỗi ngày, bạn sẽ có được những bức ảnh ngày càng đẹp hơn…
Nó đơn giản và mạnh mẽ. Nhưng tại sao làm việc nhất quán lại khó khăn như vậy?
Nỗi đau của việc trở thành một người chuyên nghiệp:
Tiếp cận mục tiêu của bạn – với thái độ của một chuyên gia – là việc không hề dễ dàng. Trên thực tế, trở thành một chuyên gia là một điều cực kỳ đau đớn!
Bởi vì hầu hết thời gian, chúng ta rất khó giữ được sự nhất quán.
Chúng ta đều có những mục tiêu muốn đạt được và những ước mơ muốn trở thành hiện thực. Nhưng nếu bạn chỉ thực hiện những công việc hướng tới những mục tiêu, ước mơ đó mỗi khi bạn cảm thấy chúng thuận tiện hoặc thú vị, thì bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian mà vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể.
Nếu bạn bắt đầu một thói quen và tiếp tục gắn bó với nó, sẽ có những thời điểm bạn cảm thấy muốn bỏ cuộc. Khi bạn bắt đầu kinh doanh, sẽ có những ngày bạn không muốn làm việc. Khi bạn đang thực hiện mục tiêu tập thể hình, sẽ có những ngày bạn không muốn đi đến phòng tập. Khi bạn đang viết một cuốn sách, sẽ có những ngày bạn không muốn gõ một chữ nào cả.
Nhưng một khi bạn vượt lên sự khó chịu, đau đớn hay kiệt sức tiếp tục công việc một cách bền bỉ mỗi ngày, thì chính điều đó sẽ làm nên sự khác biệt giữa một người chuyên nghiệp và một người nghiệp dư.
Người chuyên nghiệp bám sát lịch trình, kẻ nghiệp dư để cuộc sống cản trở. Người chuyên nghiệp biết điều gì là quan trọng đối với họ và hành động nhất quán, bền bỉ để hướng tới mục tiêu đó, trong khi kẻ nghiệp dư thường xuyên bị xao nhãng bởi những việc cấp bách nhưng không quan trọng.
Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc khi bắt đầu công việc quan trọng:
Nhiều người cho rằng chuyên gia làm việc chăm chỉ hơn những người khác và đó là lý do họ tạo ra những kết quả tuyệt vời. Nhưng điều đó không đúng. Có những người làm việc rất chăm chỉ nhưng họ vẫn chỉ là những kẻ nghiệp dư. Bởi vì họ không tập trung vào những việc quan trọng.
Trở thành một người chuyên nghiệp nghĩa là bạn có đủ kỷ luật để cam kết với những gì quan trọng đối với bạn. Đó là kiên quyết thực hiện ngay cả khi bạn không muốn làm, không phải bởi vì bạn muốn làm việc nhiều hơn mà bởi vì mục tiêu đó đủ quan trọng với bạn. Trở thành một người chuyên nghiệp là làm cho các ưu tiên của bạn trở thành hiện thực.
Trở thành một người chuyên nghiệp không có nghĩa là bạn là một người nghiện công việc. Mà nó có nghĩa là bạn biết sắp xếp thời gian để làm những gì quan trọng – đặc biệt khi bạn không muốn làm – thay vì bị động và để cuộc sống trôi qua.
Làm thế nào để trở thành một người chuyên nghiệp:
Trở thành một người chuyên nghiệp không phải là dễ dàng, nhưng nó cũng không khó khăn hay phức tạp như bạn nghĩ. Về cơ bản, có 3 bước:
Bước 1: Quyết định những gì bạn muốn giỏi:
Mục đích là khởi đầu. Nếu bạn không biết những gì bạn muốn, bạn không thể đạt được nó. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng ngay cả những người thông minh, sáng tạo và tài năng nhất cũng hiếm khi hiểu rõ họ đang làm việc gì và tại sao họ cần làm những việc đó.
Hãy xác định rõ bạn muốn đạt được điều gì và bạn muốn trở thành người như thế nào.
Bước 2: Lên lịch trình cho hành động của bạn:
Một khi bạn đã biết những gì bạn muốn, hãy thiết lập lịch trình để thực sự làm điều đó.
Có một sai lầm cơ bản mà nhiều người mắc phải, đó là đặt ra lịch trình dựa trên kết quả, ví dụ số cân giảm được mỗi tuần hay số tiền tiết kiệm được mỗi tháng. Cách đặt lịch trình như vậy không hiệu quả. Giảm 2Kg không phải là một hành động bạn có thể thực hiện. Chạy bộ 30 phút mỗi sáng hoặc hít đất 3 lượt mỗi ngày, mỗi lượt 50 cái mới là những hành động bạn có thể thực hiện.
Bạn phải đặt lịch trình dựa trên hành động cụ thể, không phải lịch trình dựa trên kết quả bạn muốn.
Bước 3: Bám sát lịch trình của bạn trong một tuần:
Ngừng suy nghĩ về việc lịch trình của bạn sẽ khó khăn như thế nào trong một tháng hoặc một năm. Chỉ cần làm nó trong tuần này. Trong 7 ngày tiếp theo, đừng để các phiền nhiễu cản trở các công việc trong lịch trình mà bạn đã đặt ra.
Đặt lịch không giúp bạn trở thành chuyên gia, tuân theo nó mới giúp bạn trở thành chuyên gia. Đừng muốn trở thành một nhà văn, hãy viết. Đừng muốn trở thành một người tập thể hình, hãy nâng tạ. Trong một tuần, hãy làm những việc quan trọng mà bạn đã đặt ra và đừng để cuộc sống cản trở bạn. Tuần tới, tiếp tục lặp lại.
Bạn có thể liệt kê ra rất nhiều điều khác biệt giữa người chuyên nghiệp và kẻ nghiệp dư. Tuy nhiên chỉ có duy nhất một điều quan trọng nhất về bản chất tạo nên sự khác biệt giữa người chuyên nghiệp và kẻ nghiệp dư đó là: Người chuyên nghiệp cam kết duy trì hành động nhất quán mỗi ngày nhằm hướng đến kết quả mong muốn còn kẻ nghiệp dư chỉ làm việc khi có cảm hứng hoặc sự thuận tiện. Những sự khác biệt khác chỉ đơn thuần là kết quả hoặc biểu hiện của khác biệt quan trọng nhất này.